Bài 22 – Cầu Nguyện Và Hóa Giải

0
1261

Các bạn thân mến,

Cầu nguyện và hòa giải là hai việc thực hành không thể thiếu trong đời sống của một người Kitô hữu. Cầu nguyện là để chúng ta có thể sống với Chúa như một người con thảo. Người con thảo là người không chỉ sống tốt với Cha, nhưng còn là người sống tốt với cả anh chị em của mình. Thế nên việc cầu nguyện thật sự không thể nào tách rời khỏi việc hòa giải. Cầu nguyện với Thiên Chúa cũng là lúc tôi để cho mình được hòa giải với anh chị em của mình.

Trong Tin Mừng theo Thánh Luca, Đức Giêsu kể chuyện hai người lên Đền Thờ cầu nguyện: một người thu thuế và một người Pharisiêu. Người thu thuế thì đứng đằng xa, không dám ngước mắt lên trời, vừa đấm ngực vừa thưa rằng: Lạy Thiên Chúa, xin rủ lòng thương con là kẻ tội lỗi. Người Pharisiêu thì đứng thẳng, nguyện thầm: Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con… (Lc 18, 9-12).

Đưa ra hai hình ảnh trên, Đức Giêsu có một đích nhắm rõ ràng. Ngài nhắm đến những người cứ tự phụ cho mình là công chính và khinh chê những người khác (c. 9). Tự phụ là nâng mình lên, là khinh chê, là đạp người khác xuống. Dường như cứ mỗi lần đạp người khác xuống, người ta lại có cảm giác mình được nâng lên. Ở ngoài đời người ta thường đạp lên đầu nhau để sống và để khẳng định vị thế của mình. Bước vào giờ cầu nguyện, lắm người cũng tưởng rằng mình có thể đạp lên đầu người khác để đến với Chúa. Thế nên có những người cầu nguyện nhiều, mà chưa bao giờ có thể thực hiện được việc hòa giải trong đời mình.

Có bao giờ tôi nhận thấy mình có nét gì đó giống với cung cách của người Pharisiêu? Tôi thấy khó để nhận ra những lầm lỗi của mình, nhưng lại thật dễ để xét đoán và nhìn ra lỗi lầm của người khác. Tôi tưởng tôi có thể biết mình qua những gì tốt lành tôi đã làm. Điều quan trọng hơn mà tôi bỏ qua chính là những diễn biến trong con tim của mình. Những gì diễn ra âm thầm trong con tim mới thật sự phản ánh được tôi là ai. Còn những hào nhoáng của công trạng thành tích dường như chỉ là những chiếc mặt nạ phủ bề ngoài con người tôi mà thôi.

Đáng buồn là tôi vẫn thường thích nhìn mình qua chiếc mặt nạ hơn là nhìn vào con người thật của mình. Qua chiếc mặt nạ, tôi luôn thấy mình đẹp. Qua chiếc mặt nạ, tôi dễ xác lập thế đứng của mình trên người khác. Qua chiếc mặt nạ, tôi thấy mình dễ đón nhận mình hơn. Đến với Thiên Chúa, không phải không có lúc tôi thủ sẵn cho mình những chiếc mặt nạ.

Trong khi đó, Thiên Chúa thì không nhìn con người theo cái địa vị mà xã hội phong tặng cho người ấy. Thiên Chúa cũng không nhìn con người theo những chiếc mặt nạ mà con người muốn đeo mang cho mình. Thiên chúa không ở bên ngoài để làm kẻ quan sát, nhưng Ngài ở bên trong con người. Ngài thấu hiểu con người từ chính bên trong với tất cả những điều tốt lẫn chưa tốt của con người. Ngài thấu hiểu cả những nỗi niềm và rung cảm thầm kín của con người. Những gì tôi làm được cho Thiên Chúa thì luôn quan trọng, nhưng quan trọng hơn là tôi làm tất cả những điều ấy với thái độ nào.

Thế nên ích gì khi tất cả những điều tốt lành tôi làm chẳng mang lại gì cho tôi ngoài một cái tôi càng lúc càng phình to và một lòng tự mãn càng lúc càng trở nên quá đáng? Ích gì khi tôi ra sức tích góp bao công đức cho mình để rồi tôi lại sử dụng chúng như những vũ khí để tấn công người khác? Ích gì khi tôi vẫn trung tín đều đặn với việc cầu nguyện của mình mà con tim tôi càng lúc càng khép lại trước Thiên Chúa và trước anh chị em của mình?

Bị trói chặt vào những thành tích của đời mình, miên man ngủ quên trên những công trạng hào hùng của mình, chúng ta khó có thể mở rộng con tim mình ra cho Thiên Chúa và cho người khác. Khi ấy, mọi người và kể cả Thiên Chúa, luôn có nguy cơ bị chúng ta sử dụng với mục đích là chỉ để tán tụng mình. Phải chăng đó là căn gốc của mọi đổ vỡ. Phải chăng đó là nguồn cội của mọi bất hòa?

Người Pharisiêu dường như đã làm được tất cả những điều mà luật buộc một người công chính phải làm. Đáng tiếc là tầm mắt ông không đủ cao để hướng nhìn lên Chúa. Với một tầm mắt cao và rộng hơn người ta sẽ dễ nhận ra rằng Thiên Chúa của mình là một Thiên Chúa “cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.” (Mt 5, 45). Thế nên quay lưng với anh em mình cũng đồng nghĩa với việc quay lại với Thiên Chúa Đấng là tình yêu. Bác ái là giới răn cốt yếu của một người Kitô hữu. Không ai có thể tách việc bác ái với anh em mình khỏi việc thờ phượng Thiên Chúa. Vì vậy mà Đức Giêsu dạy: “nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5, 23).

Lễ vật đẹp đẽ nhất mà tôi có thể dâng lên Thiên Chúa không phải đến từ đôi tay hay cái đầu, nhưng đến từ chính con tim của tôi. Với một con tim rộng mở, Thiên Chúa sẽ có thể bước vào cõi lòng tôi. Ngài cũng sẽ dọn chỗ để cho nhiều người khác cùng bước vào con tim tôi. Thế nên nếu con tim tôi đã thật có Chúa, hẳn trong con tim ấy sẽ luôn có chỗ cho người anh em của mình. Lễ vật mà người thu thuế dâng lên cho Thiên Chúa không gì khác hơn là chính cuộc đời thật của ông với tất cả những lỗi lầm và sai phạm. Ước gì mỗi người trong chúng ta cũng có thể mở trọn lòng mình ra với Chúa như thế, nhờ đó chúng ta luôn có cơ hội để hòa giải với chính mình và với chính những anh chị em của mình.

Lạy Chúa,

Chúng con luôn ước mong mình sống đẹp lòng Chúa
nhờ việc thực thi những điều công chính
và xây dựng nhiều công trình tốt đẹp cho Nước Chúa.
Nhưng lạy Chúa,
Có lẽ công trình đẹp lòng Chúa nhất
chính là con tim yêu thương của chúng con.

Xin cất khỏi chúng con quả tim chai đá và khô cứng
xin ban cho chúng con một con tim bằng thịt,
biết đau trước nỗi đau của người khác
biết cảm thông trước đổ vỡ thất bại người khác.

Xin ban cho chúng con
một con tim yêu chuộng hòa bình và chân thật
một con tim khiêm tốn và bao dung
một con tim tinh tuyền không ghen tương hờn oán
một con tim quảng đại biết hướng đến mọi người.

Ước gì cứ mỗi lần được đến gần với Chúa,
chúng con cũng thấy mình được kéo lại gần
với anh chị em của mình hơn.
Ước gì chúng con tập yêu mến Chúa mỗi ngày
qua chính những người anh chị em hữu hình
đang sống quanh chúng con. Amen

Bài hát kết thúc: SÁM HỐI 3
Nhạc: Thúy Trang
Lời: Quang Uy
Thể hiện: Gia Ân