Trở nên nhà lãnh đạo Chúa muốn (chương 5): Tính khởi xướng (tiếp theo 1)

0
1211

…..

Tố chất thứ hai của nhà lãnh đạo thành công là tính khởi xướng. Các nhà lãnh đạo không chờ đợi sự việc xảy đến; họ giúp cho sự việc xảy đến. Họ dấn thân cho hành động. Đó là một lý do mà nhiều người ngại đảm nhận trách nhiệm lãnh đạo. Họ biết rằng “khi lãnh đạo ban nhạc thì họ phải dấn thân vào âm nhạc”.

Một trong những đặc tính cần thiết của nhà lãnh đạo là họ phải sẵn lòng thực hiện công việc.

Kinh Thánh đề cập nhiều đến những gương điển hình những con người chủ động trong việc hoàn thành mục đích của Thiên Chúa trong cuộc sống hàng ngày của họ. Ví dụ, vua Đa-vít đã chọn Giô-áp là nguyên soái của mình vì lý do rất rõ ràng. “Vua Ða-vít đã nói: ‘Bất cứ ai là người đầu tiên giết được người Giơ-vút, người ấy sẽ được làm thủ lãnh, làm nguyên soái.’ Ông Giô-áp con bà Xơ-ru-gia là người đầu tiên đã lên được, nên ông đã trở thành thủ lãnh” (1 Sb 11:6). I-sai-a cũng đã bước ra từ một dân để trở thành tiếng nói của Thiên Chúa cho dân chúng thời của ông. “Bấy giờ tôi nghe tiếng Chúa Thượng phán: ‘Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi cho chúng ta?’ Tôi thưa: “Dạ, con đây, xin sai con đi.” (Is 6 :8).

Rõ ràng là tính khởi xướng là một tố chất căn bản của vai trò lãnh đạo. Vào đêm có buổi cầu nguyện giữa tuần thì cơn bão tuyết lớn kéo đến. Một vài người can đảm đi đến nhà thờ, mở cửa ra, bật đèn lên và đợi linh mục tới. Nhưng họ không hề biết rằng xe của vị linh mục bị mắc kẹt vì tuyết và ông đang cố hết sức làm sao cho chiếc xe của mình chạy lại được. Ông mượn cái xẻng để cào tuyết ra. Ông nhờ vài người giúp ông đẩy chiếc xe nhưng tất cả nỗ lực đều vô vọng. Chiếc xe của ông không hề nhúc nhích mà thời gian thì cứ trôi qua.

Trong lúc đó, ở nhà thờ thì người ta đang thắc mắc không biết chuyện gì đang xảy ra với vị linh mục, họ ngồi khắp nhà thờ chờ đợi buổi cầu nguyện. Cuối cùng một người trong số họ đứng lên và đề nghị mọi người hát một hai bài thánh ca trong khi họ chờ đợi. Ông ấy thông báo cho mọi ngưới số trang của sách hát và bắt đầu điều khiển mọi người hát. Trong ví dụ này, việc người đàn ông đó có từng làm ca trưởng chưa không quan trọng; ông ấy chính là nhà lãnh đạo. Có thể ông ấy có thể có hoặc không có kỹ năng. Ông ấy có thể biết hoặc không biết việc hát tập thể đó sẽ ra sao. Bằng một hành động nhỏ là chủ động đứng lên, ông ấy đã thể hiện vai trò lãnh đạo. Ông ấy có thể điều khiển mọi người hát tốt hay không tốt, dù việc hát đó có thế nào thì ông ấy vẫn là người phụ trách. Tính khởi xướng là một trong những trách nhiệm chính của vai trò lãnh đạo.

Tất nhiên, tất cả các Kitô hữu cần phải chủ động trong việc hiến dân đời mình để phục vụ Thiên Chúa. Các nhân vật trong Kinh Thánh, những người chẳng bao giờ được biết đến với vai trò lãnh đạo, lại là những người được Thiên Chúa chúc phúc và sử dụng bởi vì họ phục vụ nhưng không.

Rê-bê-ca trở thành vợ của I-xa-ác và là “mẹ của triệu dân” bởi vì cô đã chủ động phục vụ người quản gia của Ap-ra-ham. Cô xung phong múc nước từ giếng không chỉ cho ông mà còn cho cả lạc đà của ông nữa, một việc ý nghĩa; và hành động đó khiến Thiên Chúa xe duyên cô với I-xa-ác (St 24:14-21).

Một đứa bé đã trở thành tâm điểm của phép lạ vì đứa bé đã bước tới cho đi những gì là bữa trưa của mình để giúp đám đông đang đói được no nê (Ga 6:9-11).

Nhưng hình ảnh điển hình nhất trong Kinh Thánh chính là Thiên Chúa. “Ông Simon đã thuật lại cho chúng ta rằng: ngay từ đầu, Thiên chúa đã đoái thương chọn trong các dân ngoại một dân mang danh Người” (Cv 15:14). Nếu để dân ngoại chủ động thì chắc họ không đến với Ngài.

Vì thế, Thiên Chúa đã khởi xướng. “Thế mà Ðức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5:8). Tính khởi xướng là một đặc tính của Thiên Chúa.

Các nhà lãnh đạo phải luôn thực hiện những khởi xướng theo nhiều phương cách: Phương cách thứ nhất như đã đề nghị, là khía cạnh phục vụ. Thánh Phaolô tông đồ thể hiện điều này rất sống động. Con tàu đưa đưa ông tới Rôma bị trôi dạt đến đảo Man-at. “Dân địa phương đối xử với chúng tôi một cách nhân đạo hiếm có. Họ đốt một đống lửa to và tiếp đón tất cả chúng tôi, vì trời đã bắt đầu mùa mưa và lạnh. Ông Phaolô vơ được một mớ cành khô và đang bỏ vào lửa, thì một con rắn độc bị nóng bò ra, cuốn vào tay ông” (Cv 28:2-3). Tại đây Thánh nhân, một người lớn tuổi, lại đi vơ cành khô để đốt lửa sưởi ấm cho những người khác. Chẳng nghi ngờ gì là Thánh nhân cũng mệt mỏi như bao con người kia, nhưng ngài đã chủ động phục vụ người khác, cũng giống như Đức Kitô đã từng làm khi trong cuộc đời sứ vụ trần gian của Ngài.

Mark Sulcer, một người phụ trách lớp Kinh Thánh cho lứa tuổi thiếu niên trong thành phố chúng tôi, dấn thân hết mình. Bằng xe của mình anh đưa các em đi đến hết nhà thờ này tới nhà thờ khác, hết trường nọ đến trường kia. Anh theo sát việc học Kinh Thánh của các em. Mark luôn dành thời gian cho các em bất luận ngày hay đêm. Tôi có thể nhận ra rằng bọn trẻ chưa từng có người phụ trách nào như vậy và chúng có ấn tượng rất tốt về anh.

Khi Giáng Sinh sắp đến, hai bạn trẻ cùng bàn luận với nhau để chuẩn bị một món quà ngạc nhiên cho Mark. Không cho ai biết ý định đó, hai cô bé đi siêu thị để sắp xếp mọi chuyện. Vào tối đêm vọng Giáng sinh, chúng trao cho Mark món quà. Anh mở hộp quà ra và thấy một chiếc cúp bằng bạc có khắc dòng chữ: “Thân tặng người phục vụ vĩ đại thứ hai trên thế giới”.

Cuộc sống và gương mẫu của Mark đã sinh hoa kết trái, và sự thăng tiến của bọn trẻ là bằng chứng cho điều đó. Tính khởi xướng của anh đã được đền đáp.

Phương cách thứ hai để thực hiện những khởi xướng là đi bước trước trong việc hoà giải. Có hai đoạn Kinh Thánh đề ra những hướng dẫn rất rõ trong khía cạnh này. “Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5: 23-24). “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã được món lợi là người anh em mình” (Mt 18:15). Nếu bạn có lỗi với anh chị em của mình và Thiên Chúa nhắc nhở mình về lỗi phạm đó thì bạn nên chủ động đến gặp người anh em để xin thứ lỗi. Trái lại, nếu một ai đó mắc lỗi với bạn thì bạn vẫn nên chủ động đến với người đó để nói về lỗi phạm đó để rồi bỏ qua. Trong cả hai trường hợp, bạn cần chủ động đi bước trước.

Tất nhiên, điều này là điều khó thực hiện nhất trên thế giới. Và càng khó hơn đối với nhà lãnh đạo. Nhiều nhà truyền giáo kể cho tôi nghe họ đã phải chiến đấu với điều này thế nào khi dấn thân trong sứ vụ. Tính tự kiêu là rào cản lớn nhất. Khi họ sẵn lòng gạt bỏ tính tự kiêu của bản thân và chủ động thì Thiên Chúa ban cho họ niềm vui, sự giải thoát và chúc phúc cho họ trong hoàn cảnh đó.

Một trong những mưu mô của ma quỷ là khiến cho nhà lãnh đạo nghĩ rằng nếu họ khiêm nhường và đến gặp một người thừa cấp để xin tha thứ hoặc hoà giải việc gì, thì người thừa cấp đó sẽ xem thường họ. Chẳng gì cao quý hơn sự thật. Chính qua hành động rất đáng trân trọng đó mà nhà lãnh đạo thể hiện con người mình tốt nhất, và người khác sẽ nhận ra điều đó. Thường thì khi làm vậy nhà lãnh đạo sẽ thắng trong việc có những thừa cấp trung thành, những người bạn tốt, những cộng sự đáng tin trong công việc.

Phương cách thứ ba để thực hiện những khởi xướng là trau dồi hiểu biết. “Ý định lòng người tựa nước sâu thăm thẳm, người hiểu biết mới kín múc được.” (Cn 20:5). Niềm vui của nhà lãnh đạo thì đa dạng và không thể mong chờ nhà lãnh đạo có thể biết hết mọi thứ. Vì thế nhà lãnh đạo cần phải học hỏi nơi những Kitô hữu hiểu biết rộng.

Một lần nữa, tình tự kiêu lại cản lối. Tôi nhớ đến một sự việc xảy đến trong đời tôi khi tính tự kiêu cản lối. Tôi được chuyển từ một sứ vụ về công việc đại trụ sở chính. Tôi đã không dành nhiều thời gian để tìm hiểu tình hình trước khi nhận công việc vì vậy tôi không rõ lắm thực trạng thế nào. Khi trao đổi công việc trong uỷ ban làm việc tôi nhận ra mình không nắm rõ về những gì đang trao đổi. Nhưng tôi chần chừ trong việc thừa nhận về điều đó và chần chừ đặt câu hỏi. Tôi cho là mọi người mong đợi sự uyên bác nơi tôi. Thế là tôi nhận ra rằng bắt đầu đặt câu hỏi càng lộ ra mình chẳng biết gì cả. Vì vậy là tôi cứ tiếp tục trong tâm thế phớt lờ đi.

Thêm ví dụ nữa, lúc này lúc kia tôi được mời tham gia họp với uỷ ban tài chính. Sau nhiều tháng tôi mới khám phá ra là khi họ nói đến I.R.S thì họ ý nói đến những người có thuế thu nhập! Bạn có thể hình dung việc tôi tham gia vào uỷ ban này có lợi không. Nếu mấy tháng trước tôi gạt bỏ tính tự kiêu của mình và chủ động hỏi những câu hỏi về những từ viết tắc thì có lẻ tôi có thể đóng góp công việc chung từ lâu rồi. Các nhà lãnh đạo không nên ứng xử giống như tôi đã từng. Họ cần phải tích cực tìm hiểu thông tin họ cần để thực hiện công việc tốt hơn. Họ phải đặt câu hỏi. Họ phải sẵn lòng học hỏi người khác.

Tính khởi xướng được định nghĩa là tinh thần cần có để khởi sự hành động. Làm thế nào để một nhà lãnh đạo có thể có được tinh thần đó? Làm thế nào để một người trở nên người khởi sự hành động? Điều hữu ích nhất mà một nhà lãnh đạo có thể làm là tự đào luyện mình nhìn xa trông rộng. Một nhà lãnh đạo được miêu tả là người thấy nhiều hơn những gì người khác thấy, nhìn xa hơn người khác, và nhìn thấy trước khi người khác nhìn thấy.

Một khi nhà lãnh đạo tự đào luyện mình nhìn xa trông rộng thì sẽ có hai tác động hiệu quả đến công việc của họ. Thứ nhất, điều đó sẽ giúp họ tránh những rắc rối. Họ sẽ tránh được những cám dỗ, cạm bẫy trong quá trình thực hiện công việc. Họ có thể tự hỏi “Nếu chúng ta làm điều này, điều gì sẽ xảy đến? Tiếp đến điều đó sẽ đưa dẫn tới điều gì? Và khi điều đó xảy ra thì nó có đem lại kết quả này không? Chúng ta có mong muốn kết quả đó không? Nếu không thì thậm chí đừng bắt đầu theo hướng đó.” Thứ hai, bằng khả năng nhìn xa trộng rộng các nhà lãnh đạo có thể thiết lập mục tiêu cho họ và cho tập thể của họ. Và rồi họ có thể thấu đáo đề ra những giải pháp tốt nhất để đạt được những mục tiêu đó và bắt đầu khởi xướng những hành động phù hợp.

Tất cả những điều này chỉ có ý nghĩa khi các nhà lãnh đạo kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa thông qua Lời và cầu nguyện hàng ngày (xin tham khảo chương 2). Nếu không thì họ bị những hiểu biết riêng mình đưa dẫn hoặc họ xử dụng sự khôn ngoan trần thế để thiết lập các kế hoạch. Các nhà lãnh đạo cần nhớ rằng sự thật chỉ được tìm thấy nơi Đức Giê-su Kitô. Những sách hay tài liệu quản trị trần thế thì rất hữu ích, tuy nhiên nguồn lực nền tảng của chúng ta là Thiên Chúa. “Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1 Cr 1:25)

Nguồn: http://dongten.net/noidung/71863