Bài 19 – Cùng Nhau Cảm Nhận Cuộc Sống

0
1894

“Ước gì ơn bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn anh em vì trong một thân thể duy nhất anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân” , (Cl 3, 15).
“Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau” (Tv 133, 1).

Sống là chia sẻ.
Thiên Chúa muốn chúng ta có kinh nghiệm sống chung. Kinh Thánh gọi kinh nghiệm này là bằng hữu, thông công, hiệp thông. Tuy nhiên ngày nay, từ ngữ này hầu như mất hết ý nghĩa Kinh Thánh của nó. “Bằng hữu” ngày nay thường ám chỉ những cuộc chuyện trò, gặp gỡ, ăn uống và vui chơi tình cờ.
Câu hỏi, “Bạn thông công ở đâu?” nghĩa là “Bạn đi nhà thờ nào?”, “Mời ở lại để thông công” nghĩa là “Xin đợi để có chút gì lót lòng”.
Tình bằng hữu thực sự có ý nhiều hơn việc chỉ có mặt ở những giờ kinh lễ. Đó là cùng nhau cảm nhận cuộc sống. Bằng hữu bao hàm một tình yêu không vị kỷ, chia sẻ chân thành, phục vụ cách thực tế, trao ban đầy hy sinh, an ủi đầy cảm thông, và mọi đòi buộc “cho nhau” khác được tìm thấy trong Tân Ước.

Nói đến tình bằng hữu, phải lưu ý đến số lượng: Ít thì tốt hơn. Bạn có thể thờ phượng với một đám đông, nhưng bạn không thể sống tình bằng hữu với một đám đông. Một khi nhóm đông hơn mười người, có người sẽ không còn tham dự – thường là những người lặng lẽ nhất – và một ít người sẽ chi phối cả nhóm.
Đức Giêsu đã thi hành sứ vụ trong bối cảnh của một nhóm nhỏ môn đệ. Lẽ ra Ngài phải chọn nhiều hơn, nhưng Ngài biết con số mười hai là số lượng tối đa của một nhóm nhỏ, để trong đó, mỗi người đều có thể dự phần cách tích cực.

Cũng như cơ thể bạn, Thân Thể Đức Kitô thực sự là một tập hợp nhiều tế bào nhỏ. Sự sống của Thân Thể Ngài, như cơ thể bạn, được chứa đựng trong các tế bào. Vì lý do nầy, mỗi Kitô hữu cần liên kết với một nhóm nhỏ trong Hội Thánh của mình, hoặc là một nhóm gia đình, hoặc là một nhóm các lớp ngày Chúa Nhật, hoặc một nhóm học hỏi Lời Chúa. Đây là nơi đời sống cộng đoàn thật sự diễn ra, chứ không phải nơi những đám đông. Nếu bạn nghĩ Hội Thánh như một con tàu, thì các nhóm nhỏ là những chiếc ghe cứu sinh gắn trên đó.

Đức Giêsu đã ban một lời hứa kỳ diệu cho các nhóm nhỏ tín hữu: “Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18, 20). Thật không may, dù đã ở trong một nhóm nhỏ thì điều này cũng không bảo đảm việc bạn sẽ cảm nghiệm thực sự đời sống hiệp thông. Nhiều lớp ngày Chúa Nhật và nhiều nhóm nhỏ bị kẹt ở hình thức bên ngoài và không có mấu chốt nào để có thể cảm nhận sự hiệp thông đích thực. Vậy đâu là khác biệt giữa hiệp thông thật và hiệp thông giả?

Trong mối hiệp thông chân thật, mỗi người cảm nhận lòng chân thành. Hiệp thông chân thật không dừng lại ở những cuộc tán gẫu hời hợt hay hình thức bên ngoài. Nhưng đó là chia sẻ chân thành, hết lòng, có khi thổ lộ cả tâm can. Điều này chỉ xảy ra khi những người trong nhóm thành thật về chính mình và những gì đang xảy đến với họ. Họ chia sẻ những nỗi đau, tỏ bày những cảm xúc, nhìn nhận những thất bại, bộc lộ những nghi ngờ, thừa nhận những sợ hãi, ý thức Những yếu đuối và xin người khác giúp đỡ, cầu nguyện.

Tính chân thực của hiệp thông là điều đối nghịch với những gì bạn thấy nơi một vài cộng đoàn. Thay cho bầu khí chân thành và khiêm tốn thì ở đó toàn là những cuộc chuyện trò vớ vẩn, đóng kịch, vận động chính trị, xã giao bên ngoài và hời hợt nông cạn. Người ta mang mặt nạ, đề phòng nhau và phản ứng như thể mọi sự trong đời họ đang diễn ra tốt đẹp. Chính những thái độ này giết chết mối hiệp thông đích thực.

Hiệp thông đích thực chỉ được cảm nghiệm khi mỗi người biết cởi mở chính mình. Kinh Thánh nói, “Nhưng nếu chúng ta đi trong ánh sáng cũng như Thiên Chúa hằng ngự trong ánh sáng, thì chúng ta được hiệp thông với nhau… Nếu chúng ta nói chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta” (1Ga 1, 7-8). Thế gian nghĩ rằng, sự thân mật xảy ra trong bóng tối, nhưng Thiên Chúa nói, nó xảy ra trong ánh sáng. Bóng tối che đậy nỗi đau, lầm lỗi, sợ hãi, thất bại và nhược điểm. Nhưng trong ánh sáng, chúng ta mang tất cả chúng ra cách cởi mởchân thành khi nhìn nhận con người thật của mình.

Chắc hẳn sự chân thực đòi hỏi can đảm và khiêm tốn. Nó có nghĩa là phải đối diện với nỗi lo phải phơi bày, bị từ khước và thương tổn thêm một lần nữa. Tại sao lại phải liều lĩnh đến thế? Bởi đó là cách duy nhất để lớn lên trong đời sống thiêng liêng và an bình nội tâm. Thánh Giacôbê nói, “Anh em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để được cứu thoát. Vì lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực” (Gc 5, 16). Chúng ta chỉ trưởng thành bằng việc chấp nhận liều lĩnh, và liều lĩnh khó khăn nhất là thành thật với chính mình và với những người khác.

Trong mối hiệp thông chân thật, mỗi người cảm nhận sự tương trợ. Tương trợ là nghệ thuật cho và nhận. Đó là nương tựa nhau. Kinh Thánh nói, “Không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau” (1Cr 12, 25). Tương trợ là trọng tâm của hiệp thông: xây dựng các mối tương quan qua lại, chia sẻ trách nhiệm và giúp đỡ lẫn nhau. Thánh Phaolô nói, “Nghĩa là để chúng ta cùng khích lệ nhau, bởi vì cả anh em lẫn tôi, chúng ta đều chung một niềm tin” (Rm 1, 12).
Tất cả chúng ta đồng lòng vui sống niềm tin khi được những người khác cùng đồng hành và động viên. Kinh Thánh đòi buộc chúng ta có trách nhiệm trên nhau, động viên nhau, phục vụ và cổ vũ nhau (Rm 12, 10). Hơn năm mươi lần trong Tân Ước, chúng ta được đòi buộc chu toàn những bổn phận khác “cho nhau” và “với nhau”. Kinh Thánh nói, “Vậy chúng ta hãy theo đuổi những gì đem lại bình an và những gì xây dựng cho nhau” (Rm 14, 19).

Bạn không phải chịu trách nhiệm về mọi người trong Thân Thể Đức Kitô, nhưng bạn có trách nhiệm đối với họ. Thiên Chúa mong bạn làm bất cứ điều gì có thể để giúp họ. Trong mối hiệp thông chân thật, mỗi người cảm nhận sự cảm thông. Cảm thông không phải là đưa ra lời khuyên hay giúp đỡ xã giao qua loa; cảm thông là đón nhận và chia sẻ nỗi đau của người khác. Cảm thông nói, “Tôi hiểu những gì bạn đang trải qua và những gì bạn đang cảm nhận thì tôi cũng đã cảm nhận”. Ngày nay, một số người gọi nó là “đồng cảm”, nhưng từ ngữ dùng trong Kinh Thánh là “thương cảm”. Kinh Thánh nói, “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại” (Cl 3, 12).

Cảm thông đáp ứng hai nhu cầu căn bản của con người: nhu cầu được hiểu và được thừa nhận những cảm xúc của mình. Mỗi khi bạn hiểu và thừa nhận cảm xúc của ai, bạn bắt đầu xây dựng sự hiệp thông. Còn khi chúng ta bị ám ảnh bởi những nỗi đau riêng hoặc thương hại mình, cả hai cùng làm cạn kiệt sự cảm thông đối với người khác. Có nhiều mức độ hiệp thông khác nhau, và mỗi mức độ thích hợp ở những thời điểm khác nhau. Chúng ta hiệp thông với nhau trong những buổi cùng chia sẻ và học hỏi Lời Chúa, hay khi cùng nhau phục vụ, hoặc khi cùng nhau chịu đau khổ (Pl 3, 10; Dt10, 33-34), chúng ta đón nhận nỗi đau, nỗi u buồn của người khác và gánh lấy những gánh nặng cho nhau. Các Kitô hữu hiểu rõ cấp độ này hơn ai hết là những anh chị em đang bị bách hại khắp nơi trên thế giới, những anh chị em đang chịu ghét bỏ và chịu tử đạo vì lòng tin của mình.

Kinh Thánh đòi buộc: “Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô” (Gl 6, 2). Chính những lúc khủng hoảng, u buồn, ngờ vực mà chúng ta cần đến nhau hơn cả. Chính khi những hoàn cảnh bức bách chúng ta tới chỗ lung lạc đức tin, đó là lúc chúng ta cần đến những người bạn mạnh tin hơn bao giờ hết. Chúng ta cần đến những nhóm bạn nhỏ để củng cố lòng tin vào Chúa cho cả nhóm và lôi kéo mỗi người. Trong một nhóm nhỏ, Thân Thể của Đức Kitô trở nên thật và hiển nhiên cả khi Thiên Chúa xem ra xa cách. Đây là điều mà Gióp thiết tha cần đến suốt những ngày khổ đau. Ông đã kêu lên, “Ai từ chối chẳng xót thương bè bạn, cũng không kính sợ Đấng Toàn Năng” (G 6, 14).
Trong mối hiệp thông chân thật, mỗi người cảm nhận lòng thương xót. Hiệp thông sẽ đến khi lòng thương xót chiến thắng công lý.

Tất cả chúng ta đều cần đến lòng thương xót, bởi lẽ chúng ta thường sa đi ngã lại nên cần được nâng đỡ để chỗi dậy. Chúng ta cần rộng lòng xót thương cũng như sẵn sàng đón nhận lòng thương xót của kẻ khác. Thiên Chúa nói, “Nếu có ai đã gây ưu phiền… anh em phải tha thứ và an ủi, kẻo người đó bị chìm đắm trong nỗi ưu phiền quá mức chăng” (2Cr 2, 5-7). Bạn không thể hiệp thông nếu không biết tha thứ. Thiên Chúa cảnh báo, “Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau” (Cl 3, 13b), bởi vì cay đắng và giận hờn luôn phá huỷ sự hiệp thông. Là những con người bất toàn, tội lỗi, chúng ta sẽ không tránh khỏi việc làm tổn thương kẻ khác khi sống chung với nhau một thời gian dài. Một đôi khi, chúng ta gây tổn thương người khác cách hữu ý hay vô tình, nhưng vô tình hay hữu ý đều rất cần đến lòng thương xót và ơn Chúa để kiến tạo và duy trì hiệp thông. Kinh Thánh nói, “Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc Người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau” (Cl 3, 13).

Lòng thương xót của Thiên Chúa đối với chúng ta chính là động lực thúc đẩy mỗi người thương xót kẻ khác. Hãy nhớ rằng, bạn sẽ không bao giờ bị đòi hỏi tha thứ cho một ai quá mức mà Thiên Chúa đã tha thứ cho bạn. Mỗi khi bị tổn thương do một ai đó, bạn chỉ có một lựa chọn: Tôi sẽ vận dụng nghị lực và tình cảm của tôi cho việc trả thù hay cho việc tha thứ?
Bạn không thể làm cả hai. Nhiều người do dự khi tỏ lòng thương xót vì họ không hiểu sự khác biệt giữa tin cậy và thứ tha. Tha thứ là để quá khứ qua đi. Tin cậy thì hướng đến hành vi cư xử trong tương lai. Phải tha thứ ngay, dù người ta có yêu cầu hay không. Tin cậy cần được củng cố lâu dài. Tin cậy đòi hỏi làm đi làm lại nhiều lần. Nếu ai đó lúc này lúc khác cứ làm bạn tổn thương, Chúa vẫn đòi bạn tha thứ cho họ tức khắc, nhưng không nhất thiết bạn phải tin cậy họ ngay cũng như không để họ được phép tiếp tục làm tổn thương bạn. Với thời gian, họ phải chứng tỏ họ thay đổi. Nơi rất tốt để khôi phục lòng tin là bầu khí nâng đỡ của một nhóm nhỏ, nơi đem lại sự động viên cũng như tinh thần trách nhiệm.

Là thành viên của một nhóm nhỏ cam kết xây dựng hiệp thông thật sự, bạn sẽ nhận được nhiều lợi ích khác. Đó là một phần cốt yếu của đời Kitô hữu mà bạn không thể bỏ qua. Qua hơn 2.000 năm, các Kitô hữu họp nhau đều đặn trong các nhóm nhỏ để xây dựng mối hiệp thông này. Nếu bạn chưa là thành viên một nhóm hay một lớp nào đó thuộc loại này, bạn thật sự không biết mình đang mất mát những gì.

Trong chương kế tiếp, chúng ta sẽ xét những gì cần thiết để kiến tạo một cộng đoàn với những anh chị em tín hữu khác, nhưng tôi hy vọng những gì bạn vừa đọc trong chương này đang làm bạn khát khao cảm nhận sự chân thành, tương trợ và thương xót của hiệp thông. Bạn được tạo dựng cho đời sống cộng đoàn.

NGHĨ VỀ MỤC ĐÍCH ĐỜI TÔI
Một điểm để suy tư: Trong cuộc sống, tôi còn cần đến những người khác.
Một câu Kinh Thánh để nhớ: “Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô” (Gl 6, 12).
Một câu hỏi để nghiền ngẫm: Tôi sẽ thực hiện bước đầu tiên nào để hôm nay có thể gắn bó thật sự hơn, hết lòng hơn với một người anh em khác?