Bài 16 – Bạn Được Tạo Dựng Để Sống Trong Gia Đình Thiên Chúa

0
1974

“Quả thế, Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích mọi loài, (Dt 2, 10a).
“Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào:
Ngai yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là
con Thiên Chúa,mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa”
(1Ga 3, 1).

Thiên Chúa thích đời sống gia đình và Ngài tạo dựng bạn để bạn là một thành viên trong đó. Đây là mục đích thứ hai dành cho đời bạn mà Thiên Chúa đã hoạch định trước khi bạn được sinh ra. Toàn bộ Kinh Thánh là câu chuyện Thiên Chúa xây dựng một gia đình gồm tất cả những ai yêu mến Ngài, tôn vinh Ngài, và thống trị với Ngài mãi mãi. Thánh Phaolô nói, “Theo y muốn và lòng nhân ái của Ngài, Ngài đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô” (Ep 1, 5).
Bởi Thiên Chúa là tình yêu nên Ngài quý trọng những mối tình thân. Chính bản tính Ngài là thông hiệp và Ngài dùng những khái niệm gia đình để nói về chính mình: Cha, Con, Thánh Thần. Ba Ngôi là mối quan hệ của Thiên Chúa với chính Ngài. Đó là khuôn mẫu hoàn hảo cho sự hài hoà trong mọi quan hệ mà từ đó chúng ta cần học hỏi.
Thiên Chúa luôn hiện hữu trong tương quan yêu thương với chính mình nên Ngài không bao giờ đơn độc. Ngài không cần có một gia đình – nhưng lại ao ước có một gia đình, nên Ngài nhắm tạo dựng chúng ta, đem chúng ta vào trong gia đình của Ngài và chia sẻ cho chúng ta tất cả những gì Ngài có. Điều này đem lại cho Thiên Chúa niềm vui lớn lao. Kinh Thánh nói, “Ngai đã tự ý dùng Lời chân lý mà sinh ra chúng ta, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các thọ tạo của Ngài” (Gc 1, 18).
Khi đặt niềm tin vào Đức Kitô, chúng ta biết Thiên Chúa là Cha, chúng ta là con cái của Ngài, những người cùng tin khác là anh em, chị em và Hội Thánh là gia đình thiêng liêng của chúng ta. Gia đình Thiên Chúa gồm mọi kẻ tin trong quá khứ, ở hiện tại và cả tương lai.
Mỗi con người đều được Thiên Chúa tạo dựng, nhưng không phải ai cũng là con của Ngài. Cách duy nhất để gia nhập gia đình Thiên Chúa là được tái sinh trong đó. Bạn đã trở nên thành viên gia đình nhân loại bằng việc sinh ra lần thứ nhất, nhưng để là thành viên của gia đình Thiên Chúa, bạn phải được sinh ra lần thứ hai. Thiên Chúa, “Do lượng hải hà, Ngài cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại” (1Pr 1,3b); “Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Abba! Cha ơi!” (Rm 8, 15-16).
Lời mời gọi trở nên thành viên của gia đình Thiên Chúa thì dành cho mọi người, nhưng với một điều kiện: tin vào Đức Giêsu. Thánh Phaolô nói, “Thật vậy, nhờ đức tin, tất cả anh em là con cái Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô” (Gl 3, 26).

Gia đình chúng ta trên trần gian là quà tặng tuyệt vời đến từ Thiên Chúa, tuy nhiên, gia đình thiêng liêng của chúng ta – mối hiệp thông với những anh chị em khác trong đức tin – mới là điều tiếp tục tồn tại cho đến đời đời. Đó là sự hợp nhất mạnh mẽ hơn, một liên kết bền vững hơn, hơn cả những liên hệ huyết nhục. Bất cứ khi nào thánh Phaolô dừng lại để nói đến mục đích đời đời của Thiên Chúa dành cho hết thảy chúng ta, ngài cũng thường cất lời ca ngợi: “Vì lý do đó, tôi quỳ gối trước mặt Chúa Cha, là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất. Tôi nguyện xin Chúa Cha, thể theo sự phong phú của Ngài, ban cho anh em được củng cố mạnh mẽ nhờ Thần Khí của Ngài, để con người nội tâm nơi anh em được vững vàng” (Ep 3, 14-15).

ÍCH LỢI KHI Ở TRONG GIA ĐÌNH THIÊN CHÚA
Lúc bạn được sinh ra cách thiêng liêng trong gia đình Thiên Chúa, bạn nhận được những món quà sinh nhật đầy bất ngờ: tên của gia đình, những đặc điểm giống với gia đình, những đặc ân của gia đình, quyền được liên lạc mật thiết với gia đìnhvà cả gia tài nữa! Kinh Thánh nói, “Mà đã là con thì cũng la người thừa kế, nhờ Thiên Chúa”(Gl 4, 7b).
Tân Ước nhấn mạnh đến “di sản” phong phú của chúng ta. Tân Ước nói với chúng ta rằng, “Thiên Chúa của tôi sẽ thoả mãn mọi nhu cầu của anh em một cách tuyệt vời, theo sự giàu sang của Ngài trong Đức Kitô Giêsu” (Pl 4, 19).Là con cái Thiên Chúa, chúng ta cũng được chia sẻ gia tài trong gia đình Ngài.
Nay trên trần gian, chúng ta được “sự phong phú của ân sủng… lòng nhân hậu…khoan dung… đại lượng… vinh quang… giàu có… khôn ngoan… mạnh mẽ… và lòng thương xót rất mực yêu mến của Ngài” (Ep1, 7; Rm 2, 4; 9, 23; 11, 33; Ep 3, 16; 2, 4). Nhưng trong cõi đời đời, chúng ta sẽ thừa hưởng nhiều hơn gấp bội.
Thánh Phaolô nói, “Xin Ngài soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ…, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng dân thánh” (Ep 1, 18b). Di sản ấy gồm những gì? Trước hết, chúng ta sẽ được ở với Thiên Chúa mãi mãi (1Tx5, 10; 4, 7). Thứ hai, chúng ta được biến đổi hoàn toàn để nên giống Đức Kitô (1Ga 3, 2; 2Cr 3, 18). Thứ ba, chúng ta sẽ được giải thoát khỏi mọi khổ đau, chết chóc, khốn cùng (Kh 21, 4). Thứ tư, chúng ta sẽ được ban thưởng và tái bổ nhiệm những sứ vụ mới (Mc 9, 41; 10, 30; 1Cr 3, 8; Dt 10, 35; Mt 15,21.23). Thứ năm, chúng ta được dự phần trong vinh quang củaĐức Kitô. Một di sản lớn lao biết bao! Bạn giàu có hơn bạn tưởng.

Kinh Thánh nói, “Để được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai. Gia tài này dành ở trên trời cho anh em” (1Pr 1, 4). Nghĩa là di sản đời đời của bạn thì vô giá, tinh ròng, bền vững và bảo đảm. Không ai có thể cướp nó khỏi bạn; nó cũng không bị huỷ hoại bởi chiến tranh, bởi nền kinh tế nghèo đói hay bởi những thảm hoạ thiên nhiên. Di sản đời đời này là điều bạn phải nỗ lực hướng đến, chứ không phải là hướng đến tuổi nghỉ hưu. Thánh Phaolô nói, “Bất cứ làm việc gì, hãy làm tận tâm như thể làm cho Chúa, chứ không phải cho người đời, vì biết rằng anh em sẽ nhận được phần thưởng Chúa ban, là gia nghiệp dành cho dân Ngài” (Cl 3, 23-24a). Được hưu dưỡng chỉ là một mục tiêu thiển cận. Bạn phải sống trong ánh sáng của cõi đời đời.

PHÉP RỬA TỘI: XÁC NHẬN BẠN Ở TRONG GIA ĐÌNH THIÊN CHÚA
Những gia đình bề thế có niềm tự hào gia tộc; các thành viên không hổ thẹn là thành phần của gia đình. Buồn thay, tôi từng gặp nhiều tín hữu không bao giờ công khai nhận mình là thành phần của gia đình Thiên Chúa như Đức Giêsu đòi hỏi – bằng việc lãnh nhận Phép Rửa tội.
Phép Rửa không phải là một nghi thức có cũng được, không cũng được để rồi trì hoãn hoặc hẹn rày, hẹn mai. Phép Rửa xác nhận bạn là thành phần của gia đình Thiên Chúa. Nó công khai tuyên bố với thế giới rằng, “Tôi không hổ thẹn là thành phần của gia đình Thiên Chúa”. Vậy, bạn đã được rửa tội chưa? Đức Giêsu đòi buộc hành vi đẹp đẽ này ở tất cả mọi người trong gia đình Ngài. Ngài nói với chúng ta, “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28, 19).
Trong nhiều năm, tôi tự hỏi, tại sao trong Sứ Vụ Cao Cả của Đức Giêsu trao, Phép Rửa cũng nổi bật ngang hàng với trách vụ lớn lao loan báo Tin Mừng và giảng dạy? Tại sao Phép Rửa lại quan trọng đến thế? Rồi tôi nhận ra rằng, sở dĩ như vậy là vì Phép Rửa biểu thị mục đích thứ hai của Thiên

Chúa dành cho đời bạn: dự phần vào mối thông hiệp gia đình đời đời của Ngài.
Phép Rửa cưu mang nhiều ý nghĩa. Phép Rửa tuyên xưng đức tin của bạn, chia sẻ việc cùng chịu mai táng và phục sinh của Đức Kitô, tượng trưng cho sự chết đi cuộc đời cũ và loan báo cuộc sống mới của bạn trong Ngài. Đó cũng là ngày hỷ hoan khi bạn được kết liên vào gia đình Thiên Chúa.
Phép Rửa của bạn là hình ảnh hữu hình nói lên một chân lý vô hình. Nó tượng trưng cho những gì xảy ra vào chính lúc Thiên Chúa mang bạn vào gia đình Ngài: “Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1Cr 12, 13).

Phép Rửa chứng tỏ bạn là thành phần trong gia đình của Thiên Chúa.
Như một nhẫn cưới, Phép Rửa là bảo chứng hữu hình nhắc nhở sự cam kết bên trong được ghi khắc nơi tâm hồn bạn. Đó là một hành vi dấn thân, không phải là một cái gì lần lữa đợi cho đến khi bạn trưởng thành trên đường thiêng liêng. Điều kiện duy nhất là bạn phải tin (Cv 2, 41; 8, 12-13, 35-38).
Trong Tân Ước, người ta chịu Phép Rửa ngay khi họ tin. Vào Lễ Ngũ Tuần, 3.000 người lãnh nhận Phép Rửa cùng một ngày khi họ tin nhận Đức Kitô. Ở chỗ khác, một thủ lãnh người Êthiôpi đã chịu Phép Rửa ngay khi ông vừa trở lại, Phaolô vàSila đã rửa cho viên cai ngục thành Philipphê và gia đình ông lúc nửa đêm. Không một Phép Rửa nào phải trì hoãn trong Tân Ước. Nếu bạn chưa lãnh nhận Phép Rửa để bày tỏ niềm tin của mình vào Đức Kitô, bạn hãy lãnh nhận càng sớm càng tốt như Đức Giêsu đòi hỏi.

ĐẶC ÂN LỚN NHẤT CỦA CUỘC ĐỜI
Kinh Thánh nói, “Thật vậy, Đấng Thánh Hoá là Đức Giêsu, và những ai được thánh hoá đều do một nguồn gốc, vì thế, Ngài đã không hổ thẹn khi gọi họ là anh em” (Dt 2, 11). Bạn hãy để chân lý kỳ diệu đó lắng sâu trong bạn. Bạn là một thành viên của gia đình Thiên Chúa, và bởi Đức Giêsu đã làm cho bạn nên thánh, nên Thiên Chúa tự hào về bạn! Những lời sau đây của Đức Giêsu không hề nhầm lẫn: “Rồi Ngài giơ tay chỉ các môn đệ và nói: ‘Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi’” (Mt 12, 49-50).
Được gia nhập vào gia đình Thiên Chúa là vinh dự lớn nhất, cũng là đặc ân cao cả nhất mà bạn chưa từng nhận được. Không gì có thể sánh bằng. Bất cứ khi nào bạn cảm thấy mình không ra gì, chẳng ai thèm để ý tới, sao mà bấp bênh, hãy nhớ, bạn đang thuộc về ai!

NGÀY MƯỜI LĂM NGHĨ VỀ MỤC ĐÍCH ĐỜI TÔI
Một điểm để suy tư: Tôi được tạo dựng để sống trong gia đình của Thiên Chúa.
Một câu Kinh Thánh để nhớ: “Theo ý định và lòng nhân ái của Ngài, Ngài đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô” (Ep 1, 5).
Một câu hỏi để nghiền ngẫm: Làm sao tôi có thể bắt đầu cư xử với những anh chị em cùng tin khác như những thành viên trong gia đình riêng của tôi?