Bài 18 – Gia Đình Thiên Chúa (P1)

0
2949

“Anh em là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa (Ep 2, 19b).
“Thư này sẽ cho anh biết phải ăn ở thế nào trong nhà của Thiên Chúa, tức là Hội Thánh của Thiên Chúa hằng sống, cột trụ và điểm tựa của chân lý” (1Tm 3, 15b).

Bạn được kêu gọi để thuộc về, không chỉ để tin.
Ngay trong môi trường Địa Đàng hoàn hảo, chưa vướng tội, Thiên Chúa đã nói, “Con người ở một mình thì không tốt” (St 2, 18a). Chúng ta được tạo dựng để sống cộng đoàn, sống tương giao, để làm thành một gia đình và không ai trong chúng ta có thể tự mình hoàn tất những mục đích của Thiên Chúa. Kinh Thánh không hề nói đến các vị thánh sống một mình hoặc các vị ẩn tu đạo đức tách biệt khỏi những tín hữu và xa rời đời sống tương giao với người khác. Kinh Thánh nói, chúng ta được đặt chung với nhau, liên kết với nhau, cùng nhau xây dựng, thành phần của nhau, cùng đồng thừa kế, ăn khớp với nhau, hỗ trợ nhau và sẽ cùng được cất lên trời với nhau (1Cr 12, 12; Ep 2, 21.22; 3, 6; 4, 16; Cl 2, 19; 1Tx 4, 17). Bạn không còn lẻ loi.

Trong khi tương giao của bạn với Đức Kitô mang tính cá nhân, thì Thiên Chúa vẫn không bao giờ có ý định cho nó mang tính riêng lẻ. Trong gia đình Thiên Chúa, bạn được liên kết với mọi tín hữu khác, và chúng ta sẽ đời đời thuộc về nhau. Kinh Thánh nói, “Chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô, mỗi người liên đớivới những người khác như những bộ phận của một thân thể” (Rm 12, 5).

Theo Đức Kitô còn mang ý nghĩa thuộc về, chứ không chỉ tin. Chúng ta là thành viên của Thân Thể Ngài – Hội Thánh. C.S. Lewis lưu ý, từ ngữ “địa vị thành viên” có nguồn gốc Kitô giáo, nhưng thế gian đã làm mất ý nghĩa của nó. Tại các cửa hàng, người ta bán hạ giá cho “thành viên” của mình và những nhà quảng cáo thì dùng tên các thành viên để gửi thư chào hàng. Trong nhiều Cộng đoàn, tư cách thành viên chỉ còn là chuyện ghi danh chứ không còn có những đòi buộc hay nghĩa vụ nào. Với thánh Phaolô, là thành viên của Hội Thánh, có nghĩa là trở nên một bộ phận sống của một cơ thể sống, một phần liên kết bên trong và không thể tách rời của Thân Thể Đức Kitô (Rm 12, 4-5; 1Cr 6, 15; 12, 12-17). Chúng ta cần phục hồi và thực hành ý nghĩa Kinh Thánh của địa vị này. Hội Thánh là thân thể, chứ không phải là một ngôi nhà; một cơ thể sống chứ không phải là một tổ chức. Để các bộ phận trong cơ thể bạn có thể làm tròn chức năng của chúng, chúng phải nối kết với thân thể. Cũng một lẽ ấy với bạn, là một phần của Thân Thể Đức Kitô. Bạn được tạo dựng cho một vai trò đặc biệt, nhưng bạn sẽ đánh mất mục đích thứ hai đời mình nếu không gắn chặt với Giáo Hội. Bạn sẽ khám phá ra vai trò của mình trong cuộc đời qua các mối tương quan với những người khác. Kinh Thánh nói với chúng ta, “Cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không có cùng một chức năng, thì chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể” (Rm 12, 4-5).

Nếu một bộ phận vì một lý do nào đó bị cắt rời khỏi thân thể, nó sẽ teo tóp và chết. Nó không thể tự mình sống còn, bạn cũng thế. Cắt đứt, tách rời dòng máu nuôi sống của Giáo Hội địa phương, đời sống thiêng liêng của bạn cũng sẽ héo khô và sẽ chết (Ep 4, 16). Đây là lý do cho thấy dấu hiệu đầu tiên của sự suy thoái thiêng liêng, thường biểu hiện qua việc bỏ những buổi thờ phượng và những buổi gặp gỡ với những anh chị em khác. Hễ khi nào chúng ta trở nên chểnh mảng với đời sống cộng đoàn, mọi sự khác cũng sẽ bắt đầu tuột dốc.

Địa vị thành viên trong gia đình Thiên Chúa không phải là chuyện có cũng được không cũng được hay là một cái gì có thể hững hờ bỏ qua. Hội Thánh là chương trình của Thiên Chúa trên trần gian. Đức Giêsu nói, “Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16, 18b). Hội Thánh không bị phá huỷ và sẽ tồn tại cho đến đời đời. Hội Thánh sẽ sống lâu hơn vũ trụ này, và vai trò của bạn trong Hội Thánh cũng vậy. Những người nói, “Tôi không cần Hội Thánh” là những người kiêu ngạo hoặc là những người vô tri. Hội Thánh quan trọng đến nỗi Đức Giêsu đã chết trên thập giá để có Hội Thánh. “Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh” (Ep 5, 25b).
Kinh Thánh gọi Hội Thánh là “Hiền Thê của Đức Kitô” và là “Thân Thể của Đức Kitô” (2Cr 11, 2; Ep 5, 27; Kh 19, 7). Không thể tưởng tượng khi có người nói với Đức Giêsu, “Con yêu mến Ngài, nhưng con không thích Hiền Thê của Ngài”. Hoặc “Con chấp nhận Ngài, nhưng con từ chối Thân Thể Ngài”. Chúng ta nói điều đó mỗi khi chúng ta xua trừ, phê phán hay kêu trách Hội Thánh. Thay vào đó, Thiên Chúa đòi buộc chúng ta yêu thương Hội Thánh như Đức Giêsu đã yêu. Kinh Thánh nói, “Hãy yêu thương anh em, hãy kính sợ Thiên Chúa” (1Pr 2,17b). Buồn thay, nhiều Kitô hữu sử dụng Hội Thánh nhưng không yêu mến Hội Thánh.

HIỆP THÔNG VỚI GIÁO HỘI
Kinh Thánh nói đến một Kitô hữu sống mà không có Hội Thánh như một bộ phận nằm ngoài thân thể, một con chiên ngoài đàn, một đứa trẻ vô gia đình. Tình trạng ấy thật không bình thường. Kinh Thánh nói, “Anh em là người nhà của Thiên Chúa” (Ep 2, 19).
Văn hoá cá nhân chủ nghĩa và nếp sống tự lập ngày nay không ngừng sản sinh bao trẻ mồ côi thiêng liêng – “những tín đồ thỏ” nhảy từ nhà thờ này sang nhà thờ khác nhưng không thuộc một cộng đoàn, một trách nhiệm, không một cam kết nào cả. Nhiều người tin rằng, có thể là một “Kitô hữu tốt” mà không cần liên kết với Giáo Hội. Thế nhưng, Thiên Chúa không đồng ý chuyện đó. Kinh Thánh đưa ra nhiều lý do mạnh mẽ kêu gọi dấn thân và làm năng động sự hiệp thông trong Giáo Hội.

TẠI SAO BẠN CẦN GIA ĐÌNH HỘI THÁNH?
Gia đình Hội Thánh xác nhận bạn là một Kitô hữu chính hiệu. Không thể nói tôi theo Đức Kitô nếu bạn không liên kết với một nhóm môn đệ cụ thể nào đó. Đức Giêsu nói, “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 35). Khi chúng ta quy tụ với nhau trong yêu thương như một gia đình Hội Thánh từ những bối cảnh, sắc tộc, địa vị xã hội khác nhau, thì đó là một chứng tá mạnh mẽ cho thế gian (Gl 3, 28; Ga 17, 21). Một mình bạn, thì không thể là Thân Mình Đức Kitô. Bạn cần những người khác nữa để biểu thị điều đó. Cùng nhau, chứ không riêng lẻ, chúng ta là Thân Thể của Ngài (1Cr 12, 27).
Gia đình Hội Thánh đưa bạn ra khỏi cô lập, xoay quanh chính mình. Giáo Hội là trường học dạy cho biết phải sống làm sao trong gia đình Thiên Chúa. Đó là nơi thực hành tình yêu mẫn cảm, không vị kỷ. Là một thành viên, bạn học biết ân cần đến người khác, chia sẻ buồn vui với họ: “Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung” (1Cr 12, 26). Chỉ trong tiếp xúc đều đặn với những con người bất toàn, bình dị mà chúng ta sẽ học được tình tương thân tương ái thực sự và cảm nghiệm những chân lý của Tân Ước về sự liên kết và tuỳ thuộc lẫn nhau (Ep 4, 16; Rm 12, 4-5; Cl 2, 19; 1Cr 12, 25).
Tương thân tương ái theo Kinh Thánh là liên kết với nhau như mỗi người liên kết với Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa mong mỏi chúng ta trao ban chính mình cho nhau. Nhiều Kitô hữu biết Gioan 3, 16 mà không biết 1Gioan 3, 16: “Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em”. Đây là loại tình yêu Thiên Chúa trông mong bạn thể hiện với những anh chị em tín hữu khác – sẵn sàng yêu thương họ cùng một cách như Đức Giêsu đã yêu thương bạn.
Gia đình Hội Thánh giúp bạn phát triển sức mạnh thiêng liêng. Bạn sẽ không bao giờ trưởng thành chỉ bằng việc tham dự những buổi thờ phượng hoặc chỉ làm một khán giả thụ động. Chính sự tham gia vào toàn bộ cuộc sống của Giáo Hội mới vun đắp sức mạnh thiêng liêng. Kinh Thánh nói, “Nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình. Như thế Ngài làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái” (Ep 4, 16b). Hơn năm mươi lần, Tân Ước sử dụng cụm từ “cùng nhau” hoặc “với nhau”. Chúng ta được đòi buộc hãy yêu thương nhau, cầu nguyện cho nhau, khuyến khích nhau, sửa lỗi nhau, chào nhau, phục vụ nhau, dạy dỗ nhau, đón nhận nhau, tôn trọng nhau, gánh nặng cho nhau, tha thứ cho nhau, phục vụ nhau, hy sinh cho nhau, và bao nhiêu bổn phận hỗ tương khác. Đây chính là bổn phận của một thành viên! Đó là những “trách nhiệm gia đình” Thiên Chúa mong bạn hoàn thành ngang qua sự hiệp thông với Giáo Hội. Bạn sẽ cùng ai thực hiện những điều này?
Có lẽ sẽ dễ nên thánh hơn khi không ai làm trái ý bạn, nhưng đó là thánh thiện giả, thánh không được thử thách. Cô lập sinh ra lừa dối; chúng ta dễ rơi vào chỗ tự lừa dối mình khi tưởng mình đã trưởng thành khi không ai thách thức chúng ta. Trưởng thành thực sự chỉ triển nở qua các mối tương quan. Để trưởng thành, chúng ta cần nhiều hơn những gì Kinh Thánh đề nghị; chúng ta cần đến những anh chị em tín hữu khác. Chúng ta sẽ tiến nhanh hơn, mạnh hơn bằng việc học hỏi lẫn nhau và lãnh trách nhiệm cho nhau. Khi những người khác chia sẻ những gì Chúa dạy họ, thì từ đó, tôi cũng học hỏi và thăng tiến chính mình.