Bài 6 – Ai Là Người Thân Cận Của Tôi

0
1484

Các bạn thân mến!

Là người công giáo, từ nhỏ chúng ta đã được dạy cho giới răn “MẾN CHÚA, YÊU NGƯỜI”. Theo đó, để sống đạo tốt, tôi không chỉ phải sống với Chúa trong tình con thảo, nhưng còn phải sống với mọi người trong tình anh em. Có bao giờ chúng ta cảm thấy gượng gạo khi gọi những người xa lạ là anh chị em của mình? Có bao giờ chúng ta gặp khó khăn khi bị đòi buộc thực thi bác ái với những người mà mình không quen biết?

Tin Mừng Luca kể chuyện một người thông luật đến hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Đức Giêsu đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?” Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình”. Đức Giêsu bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống”. Thánh Luca kể tiếp: Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giêsu rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” (Lc 10, 25-29).

Vâng, ai là người thân cận của tôi? ai là anh em tôi? ai là người tôi phải thực thi đức bác ái? Câu hỏi của nhà thông luật dường như cũng là câu hỏi của chính tôi, câu hỏi của mỗi người. Thế nhưng câu hỏi ấy gợi lên điều gì? Phải chăng nó muốn thu hẹp lại giới hạn của những người mà tôi phải thực thi lòng bác ái. Phải chăng hỏi như thế là để tôi biết ai không phải là người thân cận của mình, để tôi khỏi phải thực thi lòng bác ái với họ? Thực thi bác ái có vẻ vẫn là một điều luật mà tôi phải làm, nên tôi muốn tránh được chừng nào thì hay chừng ấy.

Trong đời sống thường ngày, đã biết bao lần tôi đi qua nỗi đau của nhiều người khác. Chỉ tình cờ thôi! Có những người bị nạn nằm ngay trên lối đi của tôi, tôi thấy, nhưng tôi không dừng lại. Tại tôi bận. Tôi còn có việc phải làm. Tôi còn nhiều kế hoạch dang dở. Sợ rằng lo cho người khác sẽ làm sút giảm năng suất làm việc của tôi. Có những người gặp khó khăn, thực sự cần đến sự giúp đỡ của tôi. Tôi thấy, nhưng tôi tránh qua bên kia mà đi. Tại tôi sợ. Sợ rằng chăm lo cho an toàn của người khác sẽ làm tổn hại đến an toàn của tôi. Tôi không muốn bị phiền hà liên lụy vì những người mà mình không quen không biết.

Phải chăng vì chính những nỗi sợ ấy mà trong thế giới ngày nay vẫn còn biết bao nhiêu bất công đau xót, còn biết bao nhiêu người đang quằn quại trong cô đơn khốn khổ, còn biết bao nạn nhân vẫn nằm đó với vết thương dở sống dở chết. Hình ảnh những nạn nhân ấy có phản ánh đúng tình trạng bất công của xã hội và thái độ vô tâm đến bất nhân của lòng tôi không?

Cuộc sống quanh tôi còn biết bao những mảng đời trôi nổi, không lẽ tôi mãi làm lơ họ chỉ vì họ là người xa lạ với tôi? Giống tôi, họ cũng mang một khuôn mặt, một vóc dáng, một nhân phẩm của con người. Giống tôi, họ cũng được sinh ra, lớn lên và được sống dưới cùng một mặt trời, trên cùng một quả đất. Giống tôi, họ cũng biết khóc biết cười, biết đớn đau tủi nhục… Họ chẳng phải là anh chị em của tôi sao?

Tôi hay phân biệt rạch ròi kẻ thân quen và người xa lạ, người khác cũng hay phân biệt rạch ròi kẻ xa lạ và người thân quen. Kết quả là thế giới này vẫn đầy những mảng rời rạc không thể ráp nối của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, màu da, ngôn ngữ, và cuộc sống quanh tôi vẫn chỉ là những mảng rời của các nhóm hội, đoàn thể… Không được ráp nối lại bởi tình yêu, thế giới này luôn có nguy cơ bị xé nát bởi những phân biệt như thế.

Hãy nhìn đến những người thân cận của mình, những bạn bè thân thiết với mình. Họ là ai? Chẳng phải trước đây họ đã từng là kẻ xa lạ với tôi sao? Như thế, những người xa lạ đều có thể trở thành bạn bè của tôi, đều có thể là anh em, là người thân cận của tôi. Hơn nữa, giữa một thế giới với hơn 6 tỉ con người, tôi có quen biết được bao nhiêu người đâu. Thử một lúc nào đó, tôi ngồi ngắm dòng người ngược xuôi trên đường phố, rồi tự hỏi mình: bao nhiêu người trong số đó là người thân cận của tôi?

Nếu tôi chỉ thực thi bác ái với những người thân cận với mình, thì cái thế giới của tình yêu trong tôi nhỏ hẹp quá. Chính tình yêu, chính việc thực thi bác ái sẽ nới rộng thế giới của tôi, sẽ cho phép tôi trở nên người thân cận của những người mà tôi vẫn nghĩ là xa lạ.

Bác ái không phải là một luật từ bên ngoài, nhưng là một điều vốn dĩ tự nhiên trong tính cách của con người, nhất là người công giáo. Tôi không thực thi bác ái vì luật buộc, nhưng tôi sống bác ái vì tôi là một con người. Tôi yêu mến người khác vì họ cũng là người như tôi.

Trả lời cho câu hỏi ai là người thân cận của tôi, Đức Giêsu kể câu chuyện về người Samari có lòng thương xót, rồi Ngài kết luận: “Hãy đi và làm như vậy!”. Hãy đi và thực thi lòng thương xót. Hãy đi và lãnh nhận trách nhiệm trở nên người thân cận với những người anh em đang cần đến mình. Hãy đi để “yêu mến người thân cận như chính mình” không chỉ dừng lại như là một điều răn, nhưng là một lối sống thực tế.

Giêsu đã đến trần gian này để trở nên người thân cận với con người, với tôi. Trái tim Giêsu đã rung lên trước những cảnh đời lầm than vất vưởng. Giêsu đã không ngại bầu bạn với những người bị xã hội lên án, khinh miệt và xa lánh. Giêsu đã không ngại cùng ăn cùng uống, cùng khóc cùng cười, cùng lang thang rày đây mai đó với những người nghèo nhất của xã hội. Tôi có dám học cùng Giêsu để cho con tim của mình được rộng mở quảng đại đến thế không?

Lạy Chúa!

Điều răn quan trọng nhất
Chúa dạy chúng con
là tình thương.
Nhờ có tình thương trong tim
mà chúng con mới thực sự là người.
Nhờ thực thi tình thương ấy,
chúng con mới có thể
xây dựng Nước Chúa nơi trần gian này.

Cuộc sống hiện đại cho chúng con nhiều điều,
nhưng cũng ràng buộc chúng con
trong cái vòng luẩn quẩn
chỉ lo vun quén cho chính mình.

Một cách vô tình, công việc và thành đạt
được chúng con đặt lên trên giá trị của tình người.
Xin dứt chúng con ra khỏi cái tôi vị kỷ,
để hướng lòng đến biết bao nhiêu người anh em khác
đang cần đến chúng con. Amen

Bài hát kết thúc: GIÊSU NGƯỜI ĐÃ ĐẾN ĐÂY (5 phút 12 giây)