Kết nối cùng Thiên Chúa

0
1039

Hôm qua gần 40 anh chị em cụm Sài Gòn có một ngày tĩnh tâm thật sốt sắng và ấm áp. 

Nhiều anh em chia sẻ là cảm nhận được nhiều trong ngày tĩnh tâm này, có lẻ một phần cũng nhờ Cha giảng rất thực tế, sâu sắc và pha lẫn chút hài nữa. 

Huấn cảm nhận được 3 điểm chính qua ngày tỉnh tâm như sau: 

1/ Tôi là ai?

Cha đã bắt đầu ngày tĩnh tâm bằng một câu hỏi rất bất ngờ với Nhi Hà: “con là ai?”. Nhi Hà cũng bối rối, sau đó tự xưng đầy đủ tên thánh, tên họ. Nhưng Cha lại hỏi Catarena Nhi Hà là ai? Ngoài đường có bao nhiêu Nhi Hà, vậy sao phân biệt được đâu là con?

Sau đó Cha chuyển sang hỏi cái anh hay cười là Ngọc Ánh. Ngọc Ánh trả lời con là chính con. Cha hỏi tiếp, vậy chính con là ai? Ngọc Ánh lại tiếp tục …cười.

Bản thân Huấn và có lẻ củng như những bạn khác lúc đó cũng tự hỏi mình “mình là ai?”. Nhưng đúng là trong đời mình chưa bao giờ tự hỏi mình là ai.

Sau đó Cha đọc đoạn Tin Mừng Matthêu 16,13-20. 

Khi Ðức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ”. Ðức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Simon Phêrô thưa: “Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Ðức Giêsu nói với ông: “Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Ðấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”. Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Ðấng Kitô. 

Đoạn Tin Mừng này cũng cho thấy Chúa được nhìn nhận khác nhau: Gioan Tẩy Giả, Êlia, Giêrêmia, vị ngôn sứ v.v. Nhưng Chúa cũng muốn biết các môn đệ khi xưa, hay chính chúng ta ngày nay nhìn nhận Chúa là ai? Khi ông Simôn Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, thì Chúa nói rằng sự xác tín đúng đắn này không phải do chính tự con người Phêrô nói ra những Phêrô được Thiên Chúa Cha soi sáng. 

Cũng vậy, chúng ta sẽ biết mình là ai khi chúng ta được ơn soi sáng của Thiên Chúa. Lúc ấy chúng ta mới phân định đúng chúng ta là ai. 

Câu trả lời của Chúa với Phêrô cũng là câu trả lời cho chúng ta. “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”. Chúa đã trả lời cho chúng ta biết chúng ta là đá, và Chúa sẽ xây nước Ngài trên đá đó. 

Vậy chúng ta giờ đã rõ, chúng ta là ai? 

Cha cũng chia sẻ việc đánh mất mình khi:

+ Xã hội như thế nên tôi cũng như thế –> mình không còn là chính mình

+ Sống hùa theo xu thế thời đại

+ Sống dựa vào cảm tính, những điều kiện xung quanh nhưng tưởng rằng mình đang sống cho chính mình

+ Con người ảo tưởng về hạnh phúc đang có, những hạnh phúc do những của cải vật chất tạo nên

+ Những ảo tưởng chi phối cuộc đời mình

+ Sống không là người 

2/ Đâu là cùng đích của đời bạn?

Câu hỏi Cha đặt ra: Chúa là ai? Rất nhiều câu trả lời theo suy nghĩ của riêng từng người. Cha chia sẻ là theo riêng Cha thì Chúa là đấng quyền năng cầm quyền sinh tử.

Cha mời gọi mọi người nhìn lại lịch sử cuộc đời mình. Lịch sử một đời người là từ lúc cất tiếng khóc chào đời đến khi nhắm mắt lìa đời. Vậy phải chăng cuộc đời chỉ là lớn lên, đi làm kiếm sống, lập gia đình, có con, nuôi dạy con cái khôn lớn, rồi chết đi? Nếu cuộc đời chỉ như vậy thì uổng quá.

Chúng ta cần phải là gì để qua mọi việc chúng ta sống và làm Chúa xây dựng được điều gì đó trên chính cuộc đời chúng ta.

Chúa muốn thông phần vào đời chúng ta, Chúa mời gọi chúng ta bỏ mình vác thập giá theo Ngài

Được tất cả mọi sự mà đánh mất chính mình thì ích gì

Chúng ta cần biết tạ ơn Chúa khi gặp thất bại, vì chính qua thất bại Chúa cho mình biết con người thật của mình

Khi Chúa lấy mất đi điều gì của chúng ta, chúng ta còn tin tưởng Chúa không?

Câu chuyện thật về một cụ gì nuôi những người tâm thần, một việc làm rất nhân bản và đẹp lòng Chúa. Một ngày nọ ông cụ bị tai nạn mất một chân. Khi đến thăm, Cha hỏi ông cụ còn tiếp tục công việc đang làm không thì ông cụ nói sẽ vẫn tiếp tục chứ không bỏ cuộc. Giờ sẽ tiếp tục với một chân. Câu chuyện này nhắc nhở chúng ta nhiều điều. Khi được mời gọi làm việc cho Chúa, chúng ta thường hứa khi nào đủ điều kiện mới cộng tác. Ông cụ này bị lấy mất đi sự thuận lợi là đôi chân nhưng vẫn hăng say phục vụ, không đỗ thừa cho hoàn cảnh, không đặc điều kiện gì.

3/ Cách để sống theo cùng đích

Con người sinh ra ai cũng là một con người khả ái, những gì thể hiện là do thói quen, cái tôi mà ra

Đức Mẹ nói: “Ngài bảo gì các ông cứ làm theo”. Chúng ta hãy làm như Đức Mẹ đã khuyên bảo

Khi phạm tội, dám thú tội là giữ được chính mình. Khi đó chính là người. Cha chia sẻ về câu chuyện đang trên báo chí về việc công an đánh chết người nhưng chỉ bị xét xử nhẹ. Cha nói chính lương tâm những người đó sẽ làm cho họ đau khổ.

Sự thật đem lại hạnh phúc đích thật, đem lại giá trị của con người. Chấp nhận trả giá cho sự thật, câu chuyện các nữ y tá tố cáo việc nhân bản kết quả xét nghiệm là nhân chứng sống cho việc sống cho sự thật và chấp nhận hy sinh vì sự thật.

Huấn có một suy nghĩ riêng trong lúc cầu nguyện là hình ảnh thiết bị định vị GPRS. Trên đường đi, ví dụ ở Sài Gòn, chúng ta dễ bị lạc đường do đường sá chằn chịt, bảng hiệu đầy đường, tiếng ồn bao quanh. Nhiều người xử dụng GPRS để được dẫn đến đích mình mong muốn. Cuộc sống chúng ta cũng vậy. Đôi khi chúng ta biết đính đến của mình, nhưng những tác động xung quanh làm cho chúng ta lạc lối, chúng ta cần GPRS để không bị lạc. Mà GPRS cũng chỉ có thể hoạt động khi thiết bị đó có kết nối mạng. Chúng ta cụng cần kết nối với Chúa thì mới được dẫn lối đến cùng đích đời mình. 

Chúc mọi người một tuần hạnh phúc! 

 

Gia Huấn