Chiếc Phao và Vai Trò Lãnh Đạo

0
760

“Chỉ cần đi vòng quanh như ba thường làm để con có thể lướt ván.”

Bố tôi hét lại: “Ba không thể đi thuyền qua đó được nữa vì cái phao!”

Tôi liếc nhìn mặt nước bên trái cầu tàu của chúng tôi. Chắc chắn có một vật thể kim loại nổi lềnh bềnh do người hàng xóm mới của chúng tôi thả ở đó. Rõ ràng là anh ta không muốn tốn tiền mua một chiếc tời kéo thuyền và quyết định đánh chìm một dây phao để buộc thuyền của mình lại. Tuy nhiên, ngay lúc này thì không có một chiếc thuyền nào ở đó, và chiếc phao thì quá nhỏ và xa bờ nên bất kỳ chiếc thuyền nào đi qua hoặc một người lướt ván như tôi cũng khó có thể trông thấy.

Lớn lên ở vùng sông nước, tôi quá quen thuộc với những chiếc phao. Chúng đánh dấu các khu vực được phép bơi lội hoặc hiển thị độ sâu cho phép tàu thuyền lớn có thể di chuyển một cách an toàn. Một số phao có đèn hướng dẫn tàu thủy và chuông để cảnh báo đá ngầm hoặc các mối nguy hiểm khác. Phao giữ cho mọi thứ nổi lên hoặc ngăn chúng trôi dạt.

Là những nhà lãnh đạo trong công ty, tổ chức, nhà thờ hoặc gia đình của chúng ta, chúng ta thường là những chiếc phao ngăn mọi người bị cuốn theo lối sống không có mục đích hoặc thậm chí rơi vào những tình huống nguy hiểm. Chúng ta cũng đóng vai trò như một chiếc phao nổi an toàn để giữ cho đầu của mọi người ở trên mặt nước và ngăn các tình huống chìm đắm vào tuyệt vọng hoặc rơi vào hỗn loạn.

Nhưng mục đích quan trọng nhất của chiếc phao lãnh đạo là nâng đỡ, khích lệ.

Tân Ước đầy ắp những lời khích lệ và những người khích lệ. Chúa Thánh Thần khích lệ các thánh và Giáo Hội sơ khởi (Công vụ 9, 31). Và rồi chính những vị thánh đó lại trở thành những người khích lệ. Những nhân vật trụ cột của Giáo Hội và những nhà truyền giáo được nhắc đến như những người khích lệ: Phao-lô, Si-la và Giu-đa. Một người là người khích lệ xuất sắc đến nỗi các tông đồ đổi tên ông từ Giô-sép thành Ba-na-ba, “con trai của sự khích lệ” (Công vụ 4, 36).

Trong các thư gửi cho các giáo hội sơ khởi, luôn có sự khích lệ từ con tim, tinh thần, đức tin nơi Chúa Giê-su. Những tín hữu sơ khai đó cần nghe những lời có thể đem đến cho họ niềm hy vọng để kiên vững và tiến bước (Do Thái 6, 18; Rô-ma 15, 4).

Họ cũng được thúc đẩy động viên lẫn nhau (2 Cô-rin-tô 13, 11; 1 Thê-xa-lô-ni-ca 5, 11) và làm điều đó mỗi ngày! (Do Thái 3,13) Đức tin của họ là sự khích lệ cho những ai đang mang đến cho họ thông điệp về ân sủng, tình yêu thương và sự tha thứ (Công vụ 28,15; 2 Cô-rin-tô 7, 4). Những người rao giảng phúc âm ban đầu và những người đứng đầu giáo hội đã nuôi dưỡng bầu không khí khích lệ.

Chúng tôi cũng hoan nghênh sự khích lệ này. Chúng tôi thích nhận được sự ủng hộ và niềm hy vọng. Chúng tôi cảm thấy tuyệt vời khi sự tự tin của chúng tôi được nâng lên. Chúng tôi thích trao cho ai đó một cái vỗ nhẹ vào lưng. Chúng tôi hoan nghênh và cổ vũ. Tôi thích cảm giác được nâng đỡ và tôi cũng thích trở thành một hoạt náo viên.

Nhưng nếu tổ chức, công ty và gia đình của chúng ta muốn trở nên mạnh mẽ, tự tin và tràn đầy sức sống, thì sự khích lệ phải lớn hơn chỉ là cổ vũ một ai đó. Cũng cần đến hướng dẫn và sửa đổi. Không có ích gì khi khuyến khích mọi người tiếp tục lối mòn không hiệu quả. Họ cần được khuyến khích để làm tốt hơn, đưa ra lựa chọn tốt hơn, thậm chí học hỏi và tiếp thu những kỹ năng mới.

Thánh Phao-lô tông đồ nhắc chúng ta rằng sự khích lệ cũng cần có những cách thích hợp: sự kiên nhẫn, sự hướng dẫn cẩn thận, giáo lý đúng đắn (2 Ti-mô-thê 4, 2, Thư gửi ông Ti-tô 1, 9). Nói thật và tự tin đứng về phía sự thật. Và quan trọng nhất, đừng khuyến khích người khác đi sai đường!

Với tư cách là một giáo viên, tôi đã khuyến khích kèm với sự định hướng và sửa chữa. Đó là mục tiêu của tôi. Khi tôi cảm thấy học sinh đánh giá thấp tiềm năng của các em, tôi đã cho các em thấy cách các em có thể phát triển và đạt được nhiều hơn thế. Đồng thời, tôi chắc chắn sẽ trao cho các em những cơ hội và nguồn lực để vươn lên những tầm cao mới. Sự khuyến khích mà không có nguồn lực là vô nghĩa và gây thất vọng cho những người mà chúng ta đang động viên.

Tuy nhiên, không phải mọi cách thức khuyến khích đều có hiệu quả trong mọi tình huống hoặc với mọi người. Tôi biết các con tôi có những phản ứng khác nhau trước những nỗ lực của chúng tôi nhằm thúc đẩy, hướng dẫn và khuyến khích chúng. Có đứa thì cần sự cứng rắn, trong khi đứa khác cần sự nhắc nhở nhẹ nhàng. Một số học sinh của tôi đã trả lời một cách tích cực với một nụ cười và gợi ý. Những học sinh khác cần có một ngọn lửa để giúp họ bừng cháy!

Biết được chúng ta đang dẫn dắt ai và họ có khả năng sẽ phản ứng như thế nào sẽ quyết định hướng hành động thế nào là cần thiết. Ai là người đáp lại lời thúc giục, dỗ dành và ai sẽ được hưởng lợi từ một sự can thiệp đầy cương quyết? Ai cần “sửa đổi lớn” và ai cần được thúc đẩy sự tự tin nơi họ? Chúng ta cũng nên sẵn sàng điều chỉnh các chiến thuật của mình một cách nhanh chóng khi nhận thấy những nỗ lực khuyến khích của chúng ta không hiệu quả.

Khi chúng ta lãnh đạo trong công ty, trường học, nhà thờ hay là nhà của chúng ta, chúng ta là những chiếc phao cho những người chúng ta phục vụ. Chúng ta nâng đỡ để họ không bị chìm ngậm dưới sức nặng của bài tập, công việc, trách nhiệm của họ. Chúng ta hướng dẫn họ và giữ cho họ không bị cuốn vào những nơi mà họ sẽ gây hại hoặc bị tổn hại. Chúng ta nâng họ lên khi họ bị suy sụp và cổ vũ họ. Chúng ta không tạo thêm gánh nặng cho họ. Chúng ta nhạy cảm với nhu cầu của họ và nhận ra cách tiếp cận mà chúng ta nên sử dụng. Chúng ta khuyến khích!

Nếu lời nói và hành động của chúng ta thực sự đầy khích lệ, những người mà chúng ta lãnh đạo sẽ cảm thấy hy vọng, yên tâm, được hỗ trợ và được tán dương. Họ sẽ cảm thấy rằng chúng ta đang cố gắng trở nên hữu ích và khẳng định rằng chúng ta thực sự hiểu họ. Tinh thần của gia đình, công ty, nhà thờ hoặc tổ chức sẽ được nâng cao.

Là một nhà lãnh đạo, tôi cần phải tìm kiếm niềm hy vọng, sự đảm bảo và sự hỗ trợ tương tự như vậy. Tôi biết Chúa Giê-su là chiếc phao trung tín của tôi. Ngài giữ tôi nổi khi tôi có nguy cơ bị chìm. Ngài giữ cho tôi không bị trôi theo dòng đời hay sóng gió. Ngài giữ vững tôi. Ngài hiển thị tín hiệu an toàn cho tôi. Ngài cảnh báo tôi tránh xa nguy hiểm. Ngài là người dẫn đường cho tôi và là ngọn hải đăng hy vọng của tôi! Ngài biết rất rõ về tôi và chỉ sử dụng chiến lược khích lệ mà tôi cần.

Ngài là nguồn động viên lớn nhất của tôi! Ngài là niềm vui của tôi!
Nguồn: https://leadlikejesus.com/blog/buoys-and-leadership