Chân Thành Để Tha Thứ

0
876

Tại nơi làm việc, với những thời hạn phải hoàn thành công việc và những sự kiện xảy ra bất ngờ, nhân viên đang chịu nhiều áp lực sẽ có nguy cơ mắc sai lầm cao hơn người khác. Những sai lầm này có thể xuất phát từ việc thiếu kinh nghiệm hoặc khả năng chịu áp lực kém, khả năng dự đoán rủi ro kém.

Liệu rằng bạn có nên sa thải những nhân viên đã mắc lỗi hay là bạn sẽ tha thứ cho họ? Chúa Giê-su đã đưa ra ví dụ cuối cùng về sự tha thứ trên thập giá khi Ngài thay mặt những kẻ giết mình cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lu-ca 23:34 NKJV). Lời cầu nguyện này đã được đáp lời sau đó khi hàng ngàn người ở Giê-ru-sa-lem được cứu độ và rửa tội vào Ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (Day of Pentecost) (Sách Công vụ tông đồ 2:41).

Tại sao Chúa Giê-su lại cầu nguyện như vậy? Những người liên quan đến cái chết của Ngài không công nhận Ngài là Đấng Cứu Thế và không ý thức đầy đủ về tầm quan trọng của hành động của họ. Tương tự như vậy, nhân viên thiếu kinh nghiệm có thể không hiểu được tầm quan trọng của việc làm của họ. Sự nhầm lẫn của họ có thể dẫn đến những sai sót một cách vô ý thức và những tính toán sai lầm ảnh hưởng đến việc hoàn thành và chi phí của dự án

Một bài kiểm tra thường xuyên về việc chúng ta có thái độ cần thiết để lãnh đạo như Chúa Giê-su hay không là cách chúng ta đối mặt với thất bại của những người mà chúng ta lãnh đạo. Là một nhà lãnh đạo phục vụ, bạn cần có một khả năng tốt, lành mạnh để tha thứ, sửa sai và tiếp tục.

Mát-thêu 18: 23-35 kể câu chuyện về một tên đầy tớ đã mắc nợ nhà vua mười ngàn yến vàng – một số tiền khổng lồ vào thời đó. Vì không thể trả được nợ, nhà vua đã ra lệnh bán anh ta làm nô lệ cùng với vợ và con của mình.

Tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy vua và cầu xin lòng thương xót, và Kinh Thánh cho biết nhà vua đã “chạnh lòng thương”. Bất chấp số tiền khổng lồ mà tên đầy tớ ấy mắc nợ, nhà vua đã cho y về và tha luôn món nợ.

Tha thứ chính là mang lại cho bạn quyền được phục hồi, xóa đi những tội lỗi và đặt nó vào thập giá. Tổng thống Ronald Reagan đã thể hiện những nguyên tắc này khi ông tha thứ cho John Hinckley, kẻ ám sát ông vào năm 1981. Ông nói với con gái rằng việc tha thứ cho Hinckley là cần thiết cho sự chữa lành của chính ông.

Các nhà lãnh đạo phục vụ tìm cách trưởng thành và phát triển con người. Và đối với họ, mục tiêu này cũng quan trọng như kết quả. Vì vậy, khi nhân viên mắc lỗi, hãy gọi họ đến và đối mặt với họ trên tinh thần bác ái và yêu thương. Ghi lại sự tương tác của bạn với họ, và tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của sai lầm của họ, hãy thêm một vài nhân chứng.

Để tìm ra gốc rễ của vấn đề, hãy hỏi họ tại sao họ nghĩ rằng những hành động dẫn đến sai lầm của họ là ổn. Đôi khi, câu trả lời của họ cho câu hỏi này tiết lộ những vấn đề lớn hơn đang xảy ra trong cuộc sống của họ. Nó cũng có thể cho thấy nhu cầu được huấn luyện và / hoặc đào tạo để nâng cao mức độ hoạt động của họ. Thảo luận vấn đề và cho họ cơ hội để cải thiện. Và, nếu bạn hứa sẽ tiếp tục theo sát bằng một cuộc họp khác hoặc một khóa đào tạo khác, bằng mọi cách, hãy thực hiện điều đó.

Không tha thứ cho nhân viên sẽ khiến cho năng lực lãnh đạo của bạn bị thuyên giảm. Nếu bạn không tha thứ, bạn sẽ mất cơ hội để phát triển nhân viên và dẫn dắt họ đạt đến mức thành tích cao hơn.

Cuối cùng, trong mọi tình huống, hãy sẵn sàng thừa nhận sai lầm của chính mình. Bạn không tìm kiếm vật tế thần; bạn đang tìm kiếm giải pháp. Và, nỗ lực hết mình sẽ giúp bạn có một vị trí tốt hơn để phát triển nhân viên của mình thành những người có thể đáp ứng những thách thức mới và giúp công ty của bạn điều chỉnh theo nhu cầu của thị trường đang thay đổi.

Liệu rằng bạn có thể kể tên ai đó mà bạn vẫn chưa hoàn toàn tha thứ cho họ không? Hãy thực hiện các bước ở trên để tha thứ ngay bây giờ để thể hiện lòng trắc ẩn giống như Đấng Ki-tô đối với những người có lỗi lầm đã ảnh hưởng đến bạn trong quá khứ.

Nguồn: https://www.leadlikejesus.com/blog/faithful-forgive

Người dịch: Anna Như Quỳnh