Tại Sao Chúng Ta Lại Sum Họp?

0
660

Hằng năm, các bài ca mừng, bài thánh ca vang lên tại các nhà thờ, góc phố và thậm chí cả trung tâm thương mại mang không khí mùa Giáng Sinh về

Không chỉ là một ngày như mọi ngày, Giáng sinh hoàn toàn khác biệt. Nét đặc biệt  không phải do tuyết bởi không phải ai cũng thấy tuyết rơi, cũng không phải do các cuộc diễu hành hay siêu cúp bóng bầu dục bởi không phải ai cũng xem. Đó cũng không phải về những món quà bởi chúng ta không phải lúc nào cũng nhận được món quà mong muốn. Mà đó là về điều thay đổi chúng ta trong mùa Giáng Sinh. Cảm nhận có lẽ được mô tả rõ nhất trong bộ phim Scrooged (1988). Frank Cross do Bill Murray thủ vai khẳng định:

 “Đó là đêm duy nhất trong năm khi tất cả chúng ta hành động đẹp hơn một chút. 
Chúng ta mỉm cười dễ dàng hơn một chút, chúng ta vui vẻ hơn một chút. 
Một vài giờ trong cả năm, chúng ta là những người 
mà chúng ta luôn hy vọng sẽ trở thành! ”

Chúng ta cư xử khác đi, chúng ta dường như để tâm đến người khác nhiều hơn là bản thân mình. Chúng ta rèn luyện tính kiên nhẫn, lòng trắc ẩn và sự cho đi nhiều hơn. Chúng ta tụ tập bạn bè và gia đình cùng nhau ăn tối và trao đổi quà tặng. Có lẽ ngoài lễ Tạ Ơn, Giáng Sinh dường như mang chúng ta đến với nhau nhiều hơn. Nhưng cũng khiến tôi tự hỏi Chúa Giêsu sẽ nghĩ gì về lễ Giáng sinh? Khi Kinh Thánh tập trung vào mục vụ của Chúa Giê-su đã cung cấp rất nhiều cái nhìn sâu sắc về con người của Ngài.

Vì Ngài là người khiêm nhường nên tôi không nghĩ rằng Chúa Giê-su muốn Giáng Sinh được thương mại hoá ra sao. Ngài có lẽ sẽ nổi giận như Ngài xô đổ bàn và buộc tất cả những người đổi bạc ra khỏi đền thờ (Mc 11: 15). Tôi nghĩ Ngài muốn chúng ta giảm bớt quà lại và để tâm hơn nữa đến những người kém may mắn hơn. Còn về sự họp mặt của chúng ta trong dịp lễ, tôi không nghĩ rằng Ngài sẽ phiền lòng. Có lẽ Ngài sẽ cùng chung vui với chúng ta. Tại sao tôi tin điều này?

Chúng ta biết rằng Chúa Giê-su có khiếu hài hước.

Khiếu hài hước của Chúa Giê-su rất phong phú, sâu xa, sắc bén và hơn hết là có chủ ý. Những câu chuyện hài hước và những nhận xét hóm hỉnh của Ngài luôn nhằm mục đích đưa ra quan điểm và khiến mọi người suy nghĩ về những gì chúng ta tin tưởng ”. Chúng ta cũng biết Chúa Giê-su thích bữa tiệc tốt lành. Chúa Giê-su đã thực hiện phép lạ đầu tiên của Ngài, biến nước thành rượu trong tiệc cưới (Ga 2: 1-11). Có thể Chúa Giê-su đã làm điều này vì Mẹ Maria yêu cầu để giúp cô dâu, chú rể khỏi bối rối hoặc chỉ vì Ngài thích thấy mọi người sum họp. Michael Card (1990) nói rằng “bất cứ khi nào Chúa Giê-su không rao giảng hoặc giảng dạy, bạn sẽ thấy Ngài trong một bữa tiệc, có thể là tại nhà người thu thuế hoặc nhà người Pharisêu ( lãnh đạo tôn giáo). Các khách mời có thể bao gồm những người uy quyền trong cộng đồng hoặc những kẻ lừa đảo. Điều này dường như khiến những kiểu “tôn giáo” ngột ngạt lo ngại rằng không phải là Chúa Giê-su đi dự tiệc, mà là Ngài có vẻ hưởng thụ bản thân quá nhiều ”. ( Trích dẫn tại Website JesusCentral.com)

Không có gì nghi ngờ Chúa Giê-su yêu thích một buổi tụ họp tốt đẹp. Ngài lập nên mục vụ hội họp. Chúa Giê-su tập hợp mọi người để dạy dỗ, cho họ ăn và chữa bệnh cho họ. Quan trọng nhất là Ngài đã tập hợp những người cần được cứu chuộc và cứu rỗi. Vì vậy, khi Giáng sinh đến gần, tôi nghĩ rằng Ngài sẽ muốn chúng ta sum họp. Đối với nhiều người trong chúng ta, “Giáng sinh” luôn là thời điểm để tụ tập ăn mừng nhưng năm nay chúng ta sẽ đeo khẩu trang, giãn cách hoặc thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác, hoặc chúng ta sẽ họp mặt trực tuyến thông qua một số nền tảng mạng xã hội.

Có lẽ mong muốn “tụ họp” là một món quà từ Chúa.

Có lẽ mong muốn “ tụ họp” là một món quà từ Chúa đã in sâu vào bản chất của chúng ta. Merriam-Webster định nghĩa dấu ấn là “một quá trình học hỏi nhanh nhạy diễn ra trong giai đoạn đầu đời của động vật có tập tính xã hội và thiết lập khuôn mẫu hành vi (chẳng hạn như nhận biết và thu hút đồng loại hoặc thay thế).” Nếu bạn nghĩ về điều này, sự tồn tại của chúng ta được kết cấu trên các cuộc tụ họp xã hội. Chúng ta tập hợp lại như “người săn bắt và kẻ hái lượm” để kiếm ăn. Chúng ta kết hôn để xây dựng và hình thành dòng họ mới. Chúng ta làm việc trong các tổ chức, tham gia các nhóm để theo đuổi những mục tiêu và mục đích chung. Chúng ta quy tụ với cương vị Kitô hữu để nuôi dưỡng ý thức cộng đồng và nâng cao đời sống đức tin. Chúng ta tụ tập để tổ chức đám cưới, sinh nhật, lễ kỷ niệm, lễ tốt nghiệp và để thương tiếc phúng viếng, chia sẻ đau buồn. Ai có thể quên được cuộc tụ họp tại Bê-tha-ni để thương tiếc Lazaro qua đời – một người bạn và là người anh em (Ga 11) hay phản ứng của người cha có đứa con hoang đàng đã trở về nhà (Lc 15:22)? Lý do mà chúng ta tụ họp không quan trọng bằng chính việc tụ họp. Bà Alice Waters – đầu bếp và cũng là nhà viết sách – giải thích:

 “Sức mạnh của sự tụ họp là nó truyền cảm hứng cho chúng ta, một cách thú vị, 
hy vọng hơn, vui vẻ hơn, suy nghĩ chín chắn hơn, hay nói cách khác là sống động hơn.”

Chúng ta không cần phải đợi đến giờ lễ, ngày Tổng thống, ngày Độc lập hoặc bất kỳ ngày lễ nào khác để tụ họp. Thiên Chúa không thực sự quan tâm đến lý do tại sao chúng ta tụ họp. Ngài không tìm kiếm món quà dưới cây Noel, hay một chiếc bánh sinh nhật hoặc một tấm thiệp. Khi chúng ta quy tụ luôn được đảm bảo là có sự hiện diện của Ngài. Trong câu Tin Mừng Mt 18:20 tôi thấy lời hứa của Chúa Giê-su vừa an ủi vừa giúp tôi yên tâm

“Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, 
thì có Thầy ở đó, giữa họ.”

Thiên Chúa muốn chúng ta quy tụ để có thể ở với Ngài. Vì vậy, cho dù là gặp mặt trực tiếp, hay thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết, hoặc thông qua nền tảng truyền thông xã hội, chúng ta nên nhớ rằng chúng ta quy tụ không phải để trao đổi quà tặng, ăn tối hoặc chỉ để ở bên nhau nhưng là được ở với Chúa. Điều này có thể giúp biến đổi chúng ta thành “những người mà chúng ta luôn hy vọng có thể trở thành”.

Nguồn: https://www.leadlikejesus.com/blog/why-do-we-come-together

Người dịch: Yến Chi